Thành tích nghệ thuật : Nếu so với các tác giả đàn anh và thế hệ trung niên, thì Đức Hiền là một trong những cây viết sáng tác kịch bản cải lương hơi muộn, song tên tuổi của anh lại sớm được công chúng biết đến và có số lượng tác phẩm đáng kể.
Trong suốt hơn 20 năm sáng tác, Đức Hiền đã có trên dưới 60 kịch bản được dàn dựng trên nhiều sân khấu sàn diễn và sân khấu truyền hình lẫn video cải lương. Kết quả của sự thành công đó, rõ nét nhất được chứng minh qua những lần hội diễn, liên hoan sân khấu khi nhiều kịch bản của Đức Hiền đã “lấp lánh” nhiều màu vàng, bạc… của huy chương.
Con đường đến với sân khấu
Đức Hiền tên thật là Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1947 tại Châu Đốc, lớn lên trong một gia đình nổi tiếng về đờn ca tài tử. Thân phụ của anh là nghệ nhân Hai Minh đờn kìm, rất nổi tiếng ở xã Đa Phước (thị xã Đa Phước bấy giờ) và dạy đờn ca tài tử ở đó. Đức Hiền vốn say mê đờn ca tài tử từ nhỏ, nhưng không được cha mình truyền dạy, vì gia đình lúc đó nghèo, sợ con mình biết đờn ca thì say mê lo chơi đờn ca mà không phụ lo ruộng rẫy cho gia đình được. Năm 17 tuổi, anh rời quê nhà lên thành phố, vào học trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Anh học được một năm (1964 - 1965), mê hát nên bỏ trường để theo gánh hát, và đoàn đầu tiên anh theo là đoàn Minh Bằng - Việt Tùng. Nhưng, cũng chỉ được một năm rồi nghỉ. Sau đó anh cộng tác cho Đài phát thanh Sài Gòn cùng các hãng băng đĩa Quê Hương, Continental… rồi lại trở về sân khấu cải lương qua các đoàn: Dạ Quang Châu, Tiếng Hát Dân Tộc, Hoa Thế Hệ và có thời gian, anh còn cộng tác cho các đại nhạc hội. Sau năm 1975, Đức Hiền trở lại sân khấu cải lương làm diễn viên, là kép ca ở các đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Tây Giang (Kiều Mai Lý)... đến năm 1976 anh về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho đến năm 1980.
Con đường sáng tác kịch bản
Trước đây Đức Hiền đã có dịp gần gũi với soạn giả Hoa Phượng, từ đó ý nghĩ sáng tác kịch bản đã hình thành và mãi đến năm 1980 anh mới viết kịch bản đầu tay “Giấc mộng phù hoa” – dựng cho đoàn cải lương Phù Sa (tỉnh Vĩnh Long). Năm 1981, Đức Hiền được mời tham dự Trại sáng tác kịch bản sân khấu TPHCM và từ đó anh đã quyết định chọn con đường nghệ thuật của mình là sáng tác kịch bản cho sân khấu. Sau đó anh rời Nhà hát Trần Hữu Trang, để dành thời gian và dồn mọi nỗ lực cho sự nghiệp sáng tác của mình.
Ngòi bút của Đức Hiền khá năng động khi khai thác ở nhiều đề tài và nhiều thể loại. Ở đề tài dân gian, loại vở dân ca có kịch bản “Bán tim cho quỷ” (dựng trên sân khấu đoàn dân ca Bình Thuận). Loại vở Dù-kê (Khmer) có kịch bản “Người mang tim đá” (dựng trên sân khấu đoàn Ánh Bình Minh - Trà Vinh, do một tác giả là người Khmer chuyển thể). Kịch bản “Người mang tim đá” ở thể loại cải lương còn có gần 10 đoàn cải lương các tỉnh dàn dựng để doanh thu, bởi nó hấp dẫn ở tính triết lý xã hội, cốt truyện thì rất phổ biến trong dân gian ở thời đại nào cũng có. Tại sao “Người mang tim đá”? “Nếu là người mà không có tình người, thì chẳng khác nào người mang trái tim bằng đá vậy”, tác giả thổ lộ. Tiếp theo đó, anh sáng tác hàng loạt kịch bản, trong số đó có vở cải lương khá nổi tiếng (từng được nhiều đoàn hát dàn dựng cũng như đã sản xuất thành phim nhựa) có tên: “Bàn thờ Tổ của một cô đào”. Đức Hiền viết kịch bản này từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhân vật nữ chính Thanh Sa trong vở là hình ảnh đẹp của một cô đào hát, sống có thủy có chung với nghề nghiệp, với người đã nằm xuống chắp cánh cho mình bay đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Thế mạnh của Đức Hiền vẫn là thể loại cải lương và đề tài tâm lý xã hội, chính ở mảng này, anh mới thực sự bộc lộ rõ khả năng sáng tác của mình. Chất ca xướng trong các kịch bản cải lương của anh rất chân phương cùng với một giọng văn bình dị - rất gần gũi với đời thường. Mỗi nhân vật ở mỗi cấp độ xã hội lại có ngôn ngữ riêng, phù hợp với tính cách và rất xác thực. Điển hình như vở “Ai là chú rể” (dựng trên sân khấu đoàn cải lương Sài Gòn 3), mang tính tự sự, trữ tình, nhưng nội dung khôi hài, có ý châm biếm sâu xa những thói hư tật xấu và có hướng xây dựng cuộc sống tốt đẹp… Ở sân khấu màn ảnh nhỏ, Đức Hiền có khá nhiều kịch bản cải lương truyền hình , nhưng vở “Cho rừng lại xanh” là một trong những kịch bản tiêu biểu nhất. Vở xoay quanh nhân vật Sơn, điển hình cho những người dũng cảm trong công tác bảo vệ rừng…
“Vàng - bạc” nở rộ
Ở đề tài thiếu nhi, Đức Hiền cũng có khá nhiều tác phẩm, trong đó có hai vở được xem là “đạt đến thành công”: “Vai người khác đóng" (dựng trên sân khấu đoàn cải lương Phước Chung) và “Hoàng đế cờ lao” (dựng trên sân khấu đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) - đồng đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu TP.HCM về đề tài thiếu nhi năm 1991. Bốn năm sau đó, tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 1995, kịch bản “Khu vườn của ngoại” của Đức Hiền (do Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc dàn dựng cho đoàn cải lương Sài Gòn 3) cũng đã đoạt Huy chương vàng cùng với vở “Yêu người hát dân ca” (do Đạo diễn - Nhà giáo ưu tú Hà Quang Văn dàn dựng cho đoàn cải lương Ánh Hồng, tỉnh Trà Vinh) đoạt Huy chương bạc. Ngoài ra, Đức Hiền còn có những vở chuyển thể kịch bản hoặc viết chung với một số tác giả khác như: “Trời Nam” - chuyển thể cải lương từ kịch bản của Lê Duy Hạnh (do hai Nghệ sĩ ưu tú Thanh Tòng và Ca Lê Hồng đồng dàn dựng cho CLB Cải lương Hội Sân khấu TP), “Người yêu của cha” - viết chung với nhà báo Lê Chí Trung, “Nơi ấy bến đò xưa” - chuyển thể từ kịch bản của Nhâm Hùng (Hữu Lộc dàn dựng trên sân khấu đoàn cải lương Long An)...
Gia đình Đức Hiền hiện nay là một gia đình cải lương. Vợ anh là nữ nghệ sĩ Dạ Lan - diễn viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, hai con trai: Đức Thảo - diễn viên cải lương (hiện đang làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM) và Đức Thọ - công nhân Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Gia đình anh hiện đang sống ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo (khách sạn President cũ), căn phòng tuy nhỏ hẹp (khoảng 20 mét vuông) nhưng anh không có cao vọng cũng như không có mơ ước cao xa, mà chỉ… “mong sao gia đình đủ sống với cuộc sống bình thường, để tôi yên tâm cống hiến cho sân khấu cải lương với quãng đời còn lại”, Đức Hiền tâm sự.
Trần Nguyễn