Nghệ sĩ: Bích Hạnh | Chí Tâm | Soạn giả: Loan Thảo | Ðóng góp: Mèo Lớn | Lượt nghe: 2715 | 128K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn

Nghệ danh : Bích Hạnh
Tên thật : Vũ Thị Hạnh
Năm sinh : 03/12/1953
Thành tích nghệ thuật :
Nhắc đến nữ NS Bích Hạnh, người ta nhớ ngay đến những bài tân cổ: Kỷ niệm thời con gái, Về đâu mái tóc người thương, Lưu bút ngày xanh... Năm 1969, nữ nghệ sĩ Bích Hạnh về hát ở đoàn Kim Chung 2, hát chung với các nghệ sĩ Mỹ Châu, Phương Bình, Quốc Trầm, Phương Dung…

Nữ nghệ sĩ Bích Hạnh tên thật là Vũ Thị Hạnh, sinh ngày 03 tháng 12 năm 1953 tại Hải Phòng. Thân phụ của cô là ông Vũ Đình Vịnh, nghệ sĩ đánh trống trong Ban Tân nhạc của đoàn hát Kim Chung và mẹ là bà Nguyễn Thị Mai. Vừa lên một tuổi, Cô Bích Hạnh đã theo cha mẹ và đoàn hát Kim Chung di cư vào miền Nam, cư ngụ ngay tại rạp hát Aristo và sau này ở rạp hát Olympic đường Hồng Thập Tự.

Năm 1964, đoàn hát Kim Chung hát ở rạp Olympic, đang tập tuồng Bên Cầu Vọng Thê của soạn giả Ngọc Văn. Tuồng Bên Cầu Vọng Thê cần vai một em bé, đoàn chưa biết tìm đâu, soạn giả Ngọc Văn biết bé Hạnh là con của ông Vinh, giờ đây ông được giao nhiệm vụ quản lý của đoàn hát, Ngọc Văn hỏi bé Hạnh có dám ra sân khấu hát không.

Bé Hạnh lúc đó được 11 tuổi, nhưng vì thường ở trong cánh gà xem hát nên rất dạng sân khấu. Ngọc Văn bèn tập cho bé Hạnh hát vai em bé trong tuồng Bên Cầu Vọng Thê của anh. Vai em bé có nói vài câu đối thoại và ca bài bản nhỏ. Đêm khai trương tuồng hát Bầu Long ngồi hàng ghế khán giả xem hát, ông thấy khán giả khen em bé dạng dĩ, ca diễn như con cái nhà nghề. Bầu Long liền bảo soạn giả Ngọc Văn viết cho vai em bé trong tuồng Bên Cầu Vọng Thê có ca vọng cổ nhưng Ngọc Văn từ chối không viết vì theo ông, bé Bích Hạnh phát âm còn giọng Bắc, nếu ca vọng cổ sẽ không hay.

Bích Hạnh nghe nói vậy, cô khóc rất nhiều và xin cha cô cho cô học ca cổ nhạc một cách đầy đủ như những nghệ sĩ cải lương cần phải biết. Cha cô đóng tiền cho cô học cổ nhạc với nhạc sĩ Bảy Trạch, nhạc sĩ đờn kìm chánh của đoàn hát Kim Chung. Nhạc sĩ Bảy Trạch là thầy dạy ca cổ nhạc cho các danh ca vọng cổ Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng và nhiều nữ nghệ sĩ trong các đoàn hát Kim Chung.

Một năm sau Bích Hạnh ca thạo các bài bản cổ nhạc và vọng cổ với giọng ca của người miền Nam nên cô được hát ở đoàn Kim Chung 1 qua các vai trẻ em trong tuồng Đắc Kỷ Trụ Vương, vai Thái Tử Sĩ Đạt Ta lúc còn trẻ trong tuồng Phật Thích Ca đắc đạo. Lúc đoàn đoàn hát vừa thu nhận một em bé trai có giọng ca tốt là Minh Vưng (sau này Bầu Long đổi nghệ danh thành Minh Vương). Trưởng đoàn Kim Chung 1 là nghệ sĩ Quang Hữu sắp xếp chia vai hát Thái Tử Sĩ Đạt Ta cho Minh Vương và Bích Hạnh luân phiên nhau diễn.

Bích Hạnh khóc rất nhiều, thậm chí còn ghét Minh Vương vì anh đã giành vai hát của cô, nhưng rồi khi Bích Hạnh lớn dần, Bích Hạnh hiểu đó là do sự sấp xếp của trưởng đoàn hát, nên Bích Hạnh trở thành người bạn diễn đắc ý nhất với Minh Vương.

Năm 1968, Bích Hạnh hát chánh ở đoàn Kim Chung 8, Minh Vương được ông Bầu Long điều về đây hát chung với Bích Hạnh. Minh Vương và Bích Hạnh có dịp đi xuất ngoại, lưu diễn ở Lào, Thái Lan và Pháp.

Năm 1969, nữ nghệ sĩ Bích Hạnh về hát ở đoàn Kim Chung 2, hát chung với các nghệ sĩ Mỹ Châu, Phương Bình, Quốc Trầm, Phương Dung, Tô Kiều Lan, Ngọc Ẩn, Minh Sang, hề Chơn Tâm, cô đã hát vai Diệp Thúy Oanh tuồng Tâm Sự Loài Chim Biển , vai Hà Dung tuồng Kiếm Sĩ Dơi , vai Hạnh tuồng Tình Thiên Thu… Thời gian này, dưới sự dìu dắt và giúp đở của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, Bích Hạnh được mời đi thu dĩa tân cổ giao duyên. Cô Bích Hạnh nổi danh trong làng dĩa nhựa và được hang dĩa ký một hợp đồng 250.000 đồng trong ba năm. Năm 1972, Minh Vương và Bích Hạnh lại hát chung với nhau trên sân khấu đoàn Kim Chung 5, bấy giờ Minh Phụng và Lệ Thủy hát chánh, Minh Vương và Kiều Tiên hát vai nhì, Bích Hạnh vào vai ba.

Từ khi mới xuất hiện trên sân khấu năm 1964 trong vai đào nhí, lúc đó Bích Hạnh mới 11 tuổi, đến năm 1975, 11 năm liền cô Bích Hạnh chỉ hát cho các đoàn hát Kim Chung 1, Kim Chung 2, Kim Chung 5, Kim Chung 8. Bích Hạnh đã hát qua 34 tuồng, đủ các thể loại như tuồng xã hội, tuồng Kiếm Hiệp, tuồng Tàu, có thể kể như tuồng Bên Cầu Vọng Thê, Phạm Công Cúc Hoa, Phù Kiều Trường Hận, Mắt Em Là Bể Oan Cừu, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Mạnh Lệ Quân, Tâm Sự Loài Chim Biển, Tình Thiên Thu, Nữ Hiệp Ăn Mày, Kiếm Sĩ Dơi, Nhứt Kiếm Bá Vương, Mười Tám Năm Trường Hận, Hắc Sa Thôn Huyết Hận, Chiêu Quân Cống Hồ, Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn, Phàn Lê Huê, Nắng Thu Về Ngõ Trúc, Bóng Ma trong cổ miếu, Máu Nhuộn Sân Chùa, Giai Nhân Bên Suối Bạc…

Sau năm 1975, đoàn Kim Chung cũng như các đoàn hát cải lương tư nhân khác đều phải giải tán. Các phương tiện thuyền thông, giải trí như báo chí, nhà in, rạp hát, đoàn hát tân cổ nhạc đều do nhà nước tổ chức, quản lý và điều hành. Nữ nghệ sĩ Bích Hạnh được bố trí cho hát ở đoàn Hương Mùa Thu, Cô đã hát qua các tuồng Con Cò Trắng, Gánh Cỏ Sông Hàn…

Năm 1996 là năm mà sân khấu cải lương xuồng dốc thê thảm, nhiều đoàn hát lớn ở Saigon phải rã gánh như đoàn cải lương Saigon 1, đoàn Saigon 2, đoàn Saigon 3, đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Phước Chung, đoàn Thanh Nga, đoàn Minh Tơ, đoàn Huỳnh Long, đoàn kịch nói Kim Cương… Từ năm 1975 đến năm 1996, trong 20 năm, nữ nghệ sĩ Bích Hạnh đã phải đi hát qua 18 đoàn hát để kiếm sống, gần như sau một năm là thay đổi một đoàn hát khác. Các đoàn hát mà cô đã hát qua có:

Năm 1976, hát đoàn Minh Cảnh, tỉnh Sông Bé. Năm 1978, hát ở đoàn Bình Minh – Long Giang của trưởng đoàn Sáu Nở, rồi qua đoàn Dạ Lý Hương, trưởng đoàn Tư Trầm. Năm 1980, đi đoàn Lúa Vàng tỉnh Bạc Liêu của Bảy Cao. Năm 1981, hát ở đoàn Cao Văn Lầu, trưởng đoàn Hề Ốc. Năm 1983, đi đoàn cải lương Cao Nguyên ở miền Trung của bầu Tâm. Năm 1982, đi đoàn cải lương Sông Hậu 2 của Hoàng Thái Hùng. Năm 1985 được huy chương bạc Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc, tuồng Trong Cơn Giông, vai Mẫn. Năm 1986, đi đoàn hát Kiên Giang. Năm 1987, đi đoàn hát Sông Trà ở Quảng Ngãi. Năm 1988, đi đoàn hát Vũng Tàu 2. Năm 1989, về đoàn cải lương Sông Hậu 2 của tỉnh Cần Thơ. Năm 1990, đi đoàn cải lương Saigon 2, được huy chương vàng Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc, vai chánh tuồng Trần Ngữ Nương Tướng Soái. Năm 1994, đi đoàn cải lương Saigon 1. Năm 1995, đi đoàn Châu Long, tỉnh An Giang. Năm 1996, đi đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng.

Nữ nghệ sĩ Bích Hạnh đã hát hơn trăm tuồng cải lương, đa số là các tuồng cải lương trước năm 1975 được chỉnh lý như Lâm Sanh Xuân Nương, Máu Nhuộm Sân Chùa, Lưu Bình Dương Lễ, Mái Tóc Người Vợ Trẻ, Tô Ánh Nguyệt, Lửa Hồng Vạn Kiếp, Người Đẹp Trong Tranh, Đưa Em Về Quê Mẹ, Bàn Thờ Tổ Của Một Cô Đào, Lục Vân Tiên, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bạch Viên Tôn Các, Bảy Mùa Mai Nở, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, Núi Liễu Sông Bằng, Tướng Cướp Bạch Hải Đường, Hoàng Hậu Ba Tư, Khoai Lang Dương Ngọc, Ngữ Nương Tướng Soái…


Hiện tại chưa có ai bình luận !