Nghệ sĩ: Thanh Nga | Soạn giả: Văn Hồng Cẩm | Ðóng góp: MEM | Lượt nghe: 602 | 105.3718473809K
Chia sẻ bài hát
Nhúng diễn đàn
Lời Nhạc Con của mẹ
Đóng góp: MEM
CON CỦA MẸ
(Về Hồ Thị Kỷ)
Tác giả: Văn Hồng Cẩm
Trình bày: NSƯT Thanh Nga

NÓI LỐI:
Như mỗi lần con ra khỏi cửa,
Mẹ thường sắm sửa cho con
Túi đựng mìn nằm dưới hoa trái thơm ngon
Và chiếc áo hường mẹ may con mặc vừa đôi vai nở.

VỌNG CỔ:
Nay con đi cũng với áo hường rực rỡ như ánh ban mai vừa hé mở cung... trời.
[1]: Tiễn con đi, mẹ chỉ nhắn bao lời: Quân thù sắp đi gây tội ác, nhanh lên kẻo máu bà con cô bác lại rơi. Mẹ đón chờ một tiếng nổ và tin rằng con sẽ đạt chiến công. Chiều về mẹ ôm con vào lòng, gỡ lại mái tóc bồng như hồi còn thơ bé...

[2]: Hồ Thị Kỷ con ơi mẹ đâu có ngờ đâu lần này con đã đi vào lịch sử mà tưởng như con đang dự hội chưa về. Không tin được dù đây là sự thật con của mẹ đã làm trọn lời thề. Cứ nghe tiếng con ê a đọc dòng nhật ký, thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Xưa giặc giết cha, con sớm chịu vành tang oán hận, sớm chịu roi đòn của những lần trực diện đấu tranh. Để hôm nay con có đầy sức mạnh, banh xác quân thù bằng tiếng nổ trái tim...

[3]: Nhớ đêm đêm mẹ thường kể con nghe quê mình nhiều tủi cực đắng cay: Hạt muối Long Điền, chén cơm Đồng Nọc Nạng, máu trộn mồ hôi khổ lắm con ơi. Nay giặc đã gieo tóc tang đến cửa nhà ta đó, có mắt chẳng được nhìn, tai chẳng dám nghe. Chúng biến họ hàng nghi lầm ghét lẫn và bao bạn gái của con đã chết nhục trong tiếng cười dâm loạn cuồng điên.
Nay con về chốn thiêng liêng
Xa cách mẹ hiền bởi nặng thù sâu.
Con là con của Cà Mau
Biết dâng hiến trọn chí cao cho đời.

NÓI LỐI:
Mùa điệp nở năm nay rực đỏ
Như lửa tim con sáng tỏa Cà Mau.
Nhớ thương con, cả quê hương sung sướng tự hào
Mẹ cũng ấm lòng vì đã góp công sanh tạo.

VỌNG CỔ:
Con giống cha tính can trường, táo bạo, giống bà con lòng hiếu thảo, chuyên... cần.

[5]: Lũ ác ôn đền tội dưới tay con đã bao lần. Khi về nhà gánh thuê cuốc mướn, gom nhặt từng đồng giúp bạn lâm nguy. Có lần mẹ kể Cà Mau mình chỉ mấy ngày vui tập kết, con khát khao mà nước mắt long lanh. Rồi vội vã ra đi hướng thẳng về đồn giặc, hỏi tội lũ ác gian bằng đường đạn căm hờn.
[6]: Hôm nay những đứa bạn đôi mươi cùng con lên đường diệt Mỹ, mẹ nghe tiếng gọi tên con Hồ Thị Kỷ trước buổi ra đi. Lòng nghẹn ngào lệ đẫm hàng mi vì mẹ được thay con chia đều những quả mìn cho đội ngũ và kết nút đơm khuy những chiếc áo hường cho đàn con mẹ, nối từng mối chỉ đường kim san sẻ bao tình. Cũng buổi sáng này đây mẹ tiễn con lên đường khuất dạng, nay mẹ lại tiễn cả đoàn quân áo hường rực sáng một góc trời.
Lòng vui như thấy bóng con
Rộn bước giữa đoàn biệt động quê hương.

Nghệ danh : Thanh Nga
Tên thật : Juliette Nguyễn Thị Nga
Năm sinh : 1942–1978
Thành tích nghệ thuật :
Thanh Nga (1942–1978) là nữ nghệ sĩ cải lương tài sắc nổi tiếng của Việt Nam. Bà được mệnh danh là "Nữ hoàng sân khấu" của miền Nam Việt Nam thời điểm lúc bấy giờ.

Cuộc đời và sự nghiệp
Bà tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31 tháng 7 năm 1942, quê quán ở Tây Ninh. Cha của bà là Nguyễn Văn Lợi (tức ông Hội Đồng Lợi), mẹ của bà là Nguyễn Thị Thơ (tức bà bầu Thơ) trưởng đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga là một Phật tử, có pháp danh Diệu Minh.

Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa), lần sau làm vợ thứ (không chính thức) với ông Phạm Duy Lân tức hiệu là Đổng Lân vì ông đã từng giữ chức Đổng Lý Văn phòng của Bộ Thông tin trong Đệ Nhị Cộng hòa của Việt Nam Cộng hòa (luật sư). Bà có một con trai với ông Lân là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch).

Gia đình Thanh Nga còn có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như:
- Bầu Thơ (mẹ ruột)
- Năm Nghĩa (cha dượng)
- Bảo Quốc (em cùng mẹ khác cha)
- Hữu Châu (cháu ruột, con nghệ sĩ Hữu Thìn)
- Hữu Lộc (cháu ruột, con nghệ sĩ Hữu Thìn)
- Hà Linh (con trai)

Giải thưởng tiêu biểu
1958: Giải Thanh Tâm triển vọng (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới)
1966: Giải Thanh Tâm xuất sắc (vai Giáng Hương, vở Sân khấu về khuya)

Vinh danh
- 1984: Bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1984 (theo Quyết định số 44-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25/1/1984).
- 2007: Một bộ phim tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp diễn xuất của Bà đã được cựu diễn viên – nhà báo Lê Quang Thanh Tâm thực hiện với tên gọi "Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga" qua giọng đọc của Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết do Đạo diễn Võ Văn Thanh Trí dàn dựng và Hãng phim MDC Entertainment thâu và dựng.
- 2015: Một con đường được vinh dự mang tên bà, đó là Đường Thanh Nga thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Qua đời
Đêm ngày 26 tháng 11 năm 1978, khi diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng (còn gọi là rạp Gia Định) - nằm ở khu vực chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, khoảng 23 giờ đêm, nghệ sĩ Thanh Nga lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt do chồng bà cầm lái để về nhà. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau cùng với con trai Cúc Cu[10] khi đó mới 5 tuổi. Ở ghế trước, cạnh tài xế có võ sư Nguyễn Văn Các, làm vệ sĩ bảo vệ Thanh Nga. Ngay khi xe dừng trước cổng nhà nằm trên đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Lê Thị Riêng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) chiếc xe đậu ở gara, vệ sĩ Các bước ra mở cửa thì bất ngờ một chiếc xe Honda 67 chờ tới, hai tên lạ mặt nhảy xuống (thủ phạm bắn chết vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga là tên cướp Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức), dùng súng ngắn P38 khống chế anh vào trong xe. Chúng tiếp tục uy hiếp vợ chồng Thanh Nga để bắt bé Cúc Cu. Khi vợ chồng nghệ sĩ chống cự, chúng liên tiếp nã đạn bắn chết cả hai rồi biến mất. Ông Lân chết ngay tại chỗ còn nghệ sĩ Thanh Nga thì vẫn còn hơi thở. Vệ sĩ Các ôm Thanh Nga lên xích lô ra thẳng Bệnh viện Sài Gòn nhưng đã quá muộn. Viên đạn trúng ngực trái đã cướp đi sinh mạng của Thanh Nga ở tuổi 36.

Những vai diễn nổi bật:
- Phà Ca (Sơn Nữ Phà Ca), Hương (Nửa Đời Hương Phấn), Xuyên Lan (Tiếng Hạc Trong Trăng), Giáng Hương (Sân Khấu Về Khuya), Dương Vân Nga (Dương Vân Nga), Quỳnh Nga (Bên Cầu Dệt Lụa), Trưng Trắc (Tiếng Trống Mê Linh)...

Hiện tại chưa có ai bình luận !