NỬA ĐỜI HƯƠNG PHẤN
Tác giả : Hà Triều – Hoa Phượng
Biểu diễn: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Diệp Lang, Thanh Tòng, Hồng Nga, Bảo Quốc, Kiều Mai Lý
Cảnh 1:
NĂM : Thiệt là bực mình hết sức.
(Vừa nói vừa đi ra sân khấu)
LUNG : Bớ chú Năm… chú Năm ơi chú Năm… chú Năm ơi chú Năm, chờ tui với chú Năm ơi! Mệt quá…
NĂM : Trời đất ơi bà có điên hay không vậy? Đi ra giữa đường giữa xá mà… chú Năm ơi chú Năm. Bà làm cái gì thấy ghê vậy?
LUNG : Thấy ghê cái gì, tui chạy theo chú muốn hụt hơi, chú không thương tui chú còn nói gì nữa.
NĂM : Như không cái chạy theo tui à! Chạy theo tui chi vậy?
LUNG : Tui tính lại nhà chú đây nè.
NĂM : Bà lại nhà tui chi?
LUNG : Con Hương nó chịu rồi phải không?
NĂM : Nó chịu cái gì?
LUNG : Thì thằng Định rủ nó, nó chịu đi rồi phải không?
NĂM : Trời trời! Bà này ăn trúng cái gì mà nói chuyện trớt quớt vậy trời. Thằng Định là thằng nào tui có biết đâu á.
LUNG : Trớt quớt cái gì! Từ sớm mai tới giờ có người đàn ông nào tới nhà chú không?
NĂM : Ừ, cái đó thì có.
LUNG : Đó, nó đó! Thằng Định, chồng trước của con Hương hồi trước đó. Ta nói bây giờ nó ở ngoài Nha Trang, nghe nói ở ngoài đó hiếm lắm nên nó về đây kiếm thêm mấy đứa mới mới đưa ra ngoải.
NĂM : Nó về đây nó tính dụ con Hương đem ra bán ngoải nữa đó hả?
LUNG : Cái chú này nói kỳ không à. Chuyện làm ăn mà, nó có cơm thì mình có cháo chứ.
NĂM : Mình nào? Đừng có lôi tui vô ba cái vụ này nghen. Rồi thằng Định về đây nó ở đâu vậy?
LUNG : Nhà tui.
NĂM : Tui gặp thằng Định tui đánh nó bể mặt à. Người nào mà a tòng với nó rủ con Hương trở lại nghề cũ tui cũng đánh bể mặt luôn.
LUNG : Cái gì… cái gì kỳ cục vậy cha. Rồi con Hương đâu rồi?
NĂM : Tiêu rồi. Hai tháng tiền nhà của chị kể như đi đứt rồi. Còn tiền nhà của tui cũng tiêu luôn giờ nó dông luôn. Đây nè, nó để lá thơ lại cho chị nè. Nó nói là vì hoàn cảnh nó phải đi nó không cho chị hay kịp, thông cảm giùm cho nó.
LUNG : Trời đất ơi, nó đi vậy là mất tiêu rồi, chết tui rồi. Thần Hoàng Bổn Cảnh Đất Đai Dương Trạch chứng giùm cho tui đây nè trời. Tui làm ơn mà mắc oán mà. Trời đất ơi… tiền đó có phải là tiền của tui sao?
NĂM : Chứ tiền của ai?
LUNG : Tiền của người ta, tui mượn. Một ngàn thành một ngàn mốt, rồi tui cho lại thành một ngàn ba. Bây giờ thành ngàn tư ngàn rưỡi rồi, tui hỏi chú có tức không chứ. Nói thiệt với chú, nó giựt tui tui theo tới chỗ ở luôn cho chú coi.
NĂM : Trời! Biết nó đâu mà theo, cha mẹ nó chết ráo rồi chị ơi.
LUNG : Chú mà biết cái gì, tui nuôi tụi nó trong nhà tui không biết sao được. Nó còn cha mẹ đầy đủ hết trơn á. Nó biết giữ danh giá cho cha mẹ nó mà nó lại giựt của tui hả? Tui nói thiệt với chú, tui theo tui cào nhà nó cho chú coi.
NĂM : Thôi, thôi chị ơi. Tui biết con nhỏ nó tốt lắm, trước sau nó cũng gặp chị nó trả cho chị à. Yên tâm đi, ăn ở có phước có đức chút xíu.
LUNG : Nè! Phước đức cái gì? Chú đừng có lên mặt thầy đời mà bỉ xử tôi đó nghen. Tôi nói thiệt với chú đó hen, bữa nay nếu mà tôi không có ăn chay là tui sốc miểng sành miểng chén tui trù tui rủa nó đó. Đồ cái thứ quân ăn cướp, đồ cái thứ…
NĂM : Bà này bã mắc cái phong “la” hay sao á. Nói chuyện không nghe được cái chữ nào hết trơn. Ssss… có nghe được cái gì đâu. Chị nói sao, chị nói đồng tiền đó là sao? Đồng tiền mồ hôi nước mắt của chị đó hả?
LUNG : Chứ còn gì nữa.
NĂM : Chị nói cũng đúng đó chứ. Nhưng mà đúng nhất là mồ hôi của mấy thằng nghèo: vợ đẻ, con đau… nó mượn đồng tiền của chị đó, rồi nó nai lưng ra nó làm đổ mồ hôi để nó trả tiền lời cắt cổ mổ họng của chị đó. Mồ hôi đó đó…
LUNG : Nè nghen, chú đừng ăn nói trịch thượng nghen.
NĂM : Còn nước mắt là nước mắt của mấy đứa thiếu tiền chị mà tới ngày hẹn nó không có tiền để trả đó. Không có tiền để trả cho chị, chị tới nhà chị đào mồ cuốc mả lên, lối xóm bu đen nghẹt nó tủi thân nó khóc. Nước mắt đó đó!
LUNG : Trời ơi, tại sao tui làm ơn làm nghĩa mà chú mắng tui. Bớ người ta… bớ người ta… bớ người ta…
NĂM : Xiết cái họng chị như xiết bù-loong vậy đó. La hoài, ngoài đường ngoài xá mà la um sùm hà. Tiền con Hương thiếu chị tui trả cho. 27, 30 Tây tui lãnh lương tui đem tới nhà chị trả cho chị đàng hoàng, yên tâm đi.
LUNG : Chú trả tiền tui thiệt hả chú Năm?
NĂM : Trời ơi, tui nghèo thì nghèo chứ hổng nói dóc đâu. Đem tới nhà, trả đàng hoàng chứ đừng có ong óng vậy.
(Đi vào)
LUNG : Chú trả tiền cho tui thiệt hả chú Năm. Tiền của tui có chân mà, hễ có chân đi là có chân về. Thằng cha Năm này chả hứa là… Ủa, sao tự nhiên tui tin lời thằng cha Năm này ta. Đâu có ai mà cầm tiền cho không người khác bao giờ đâu. Tin thằng cha này có ngày chết. A, bây giờ mình biết nhà của nó rồi, ở dưới Lái Thiêu phải không. Theo tới ổ quậy tới cùng luôn.
Cảnh 2:
B. SÁU : Ông ơi, bận áo vô đi ăn đám giỗ ông ơi! Gì zạ? Cái gì mà lục giỏ trầu tôi zạ?
Ô. SÁU : Dao bửa cau của bà đâu rồi?
B. SÁU : Lóng rày tôi ăn cau khô không à chớ không có cau tươi, cho nên là hổng có dao. Mà ông xài cái gì, vô lấy dao phay kìa.
Ô. SÁU : Chuốt viết chì chớ bộ thọc huyết heo hay sao mà lấy dao phay.
B. SÁU : Viết chì gì?
Ô. SÁU : Viết chì giả, viết gì mềm èo. Chưa viết gãy, chưa viết gãy…
B. SÁU : Đâu đưa đây coi coi.
Ô. SÁU : Coi cái gì mà…
B. SÁU : Ông này, thì đưa tui coi coi chứ ông làm cái gì vậy. Cây viết này đâu phải để viết.
Ô. SÁU : Viết mà hổng để viết, để chích hả?
B. SÁU : Không phải để viết ông biết không, là vì cây viết chì này là cây viết chì kẻ chân mày của con Diệu. Mà trời ơi, sao ngày hôm qua nó dài dữ lắm mà nay sao cụt ngủn vậy?
Ô. SÁU : Nhờ tôi chuốt từ hôm qua tới nay đó.
B. SÁU : Trời ơi, thôi chết con nhỏ rồi.
Ô. SÁU : Mà ai biết đâu nè. Ông bà cha mẹ sanh sao để vậy, nó đem cạo láng ón, rồi nó lấy viết chì nó vẽ lên, ai biết đâu.
B. SÁU : Ông nói vậy nghe sao phải!
Ô. SÁU : Nè, bà coi chừng đó.
B. SÁU : Coi chừng cái gì?
Ô. SÁU : Tôi thấy con Diệu nó đổi tánh rồi đó nha.
B. SÁU : Đổi tánh cái gì. Ông đổi tánh thì có. Ông khó quá.
Ô. SÁU : Sao khó?
B. SÁU : Trời ơi, con gái lớn rồi thì phải cho nó chưng diện chút đỉnh. Để nó xấu như con ma vậy, ai mà thèm dòm ngó nó!
Ô. SÁU : Phải rồi, để coi ma dòm ngó hay là cái thằng thầy đờn dòm ngó.
B. SÁU : Thằng thầy đờn nào?
Ô. SÁU : Bà mà thấy cái gì, bà chỉ thấy xác cô Năm, bùa ông Lục. Bà chỉ thấy...
CAO PHI
...ma, chớ mắt bà làm sao thấy được người.
Bởi vậy cho nên, con bà nó đổi tánh bà đâu có hay.
Nó mới quen với thằng đờn, xách cái đờn đi lên đi xuống.
Bà coi chỗ nào, bà gả phứt cho yên lòng bà ơi.
B. SÁU : Cái tật của ông, chưa có gì là ông đã la quáng lên rồi
Con mình nên hư, là do nơi mình dạy dỗ đó thôi
Nó là con gái, ông cũng phải cho nó trau chuốt chút đỉnh chớ
Chớ đâu phải con chùa, mà hở một chút là ông đòi ông gả đi.
Ô. SÁU : Bởi vậy người ta nói: “Sanh tử bất sanh tâm…”
B. SÁU : “Sanh ngưu vô sanh giác”. Có câu nào mới hông, câu này cũ quá rồi.
Ô. SÁU : Cũ mà vẫn hợp thời!
B. SÁU : Thôi ông ơi…
Ô. SÁU : Tôi nói cho bà biết nghen, cái thằng thầy đờn nó liếc tới liếc lui nó đi lên đi xuống, có ngày… à.
B. SÁU : Có ngày sao? Ngộ ghê à, có đường thì người ta đi, có mắt thì người ta ngó.
Ô. SÁU : Có mắt ngó thì ngó thẳng. Nhà tui có con gái lớn, muốn nói chuyện gì thì vô ngồi đàng hoàng nói chuyện với tui, chớ không phải liếc tới liếc lui thập thò thập thò. Bởi vì cái thập thò của nó mà tui giận quá tui mới vẽ cái bảng nè: “Coi chừng chó dữ”.
B. SÁU : Ý trời ơi, chó le lưỡi. Thánh thần thiên địa ơi, ở nhà không có 1 cọng lông chó để làm thuốc nữa mà vẽ con chó để ngay cửa nhà. Tới chừng khách lại đó, hổng có chó sủa chắc ông sủa quá.
(Hậu trường) Ông Sáu ơi...
B. SÁU : À à, đi liền đi liền. Diệu à, Diệu...
DIỆU : Dạ…
B. SÁU : Tao đi đám… Hả, cái gì đó?
Ô. SÁU : Lưu ý cặp chân mày.
B. SÁU : Trời ơi, sao bữa nay mày cho nó dảnh lên dữ vậy? Mà thấy hông, tao nói cái gì ổng cũng chữi tao được hết trơn hết trọi á. Con cái có gì là ổng trút cho tao không đó mày thấy không. Ở nhà coi chừng nhà cho ba má đi ăn đám giỗ.
Ô. SÁU : Rồi giờ ở nhà hay đi.
B. SÁU : Rồi rồi đi nè. Áo…
Ô. SÁU : Đưa cái áo đây. Tới giờ rồi
DIỆU : Kiếm bánh ít về ăn nghen má.
B. SÁU : Mày ở nhà coi cho heo ăn dùm má nha. Ấy cặp chưng mày xuống chút nghen, để ổng thấy ổng la.
Ô. SÁU : Đi…
B. SÁU : Thì đi, biết rồi mà.
Ô. SÁU : Bà thấy không? Y như cái vòng cung vậy.
(Ông bà Sáu vô hậu trường)
DIỆU : Trời đất ơi, hồi sáng kiếm cây viết chì muốn chết. Lấy lọ nghẹ quẹt không biết coi được không, hèn chi bả nói dài. Trời đất ơi cây viết chì của tôi, hồi hôm qua dài sọc mà bữa nay còn có chút chíu vậy nè. Trời ơi, ổng lấy ổng vẽ cái gì mà coi sao… Trời đất ơi. Đâu để sửa lại coi…
LÝ CHIM XANH
Đêm qua mơ thấy anh đang chèo xuồng qua sông,
Thăm em qua cầu tre lắc lẽo, đường đê gập ghềnh,
ĐỊNH : Ui da!
DIỆU : Trời đất ơi, anh!
ĐỊNH : Anh nè!
DIỆU : Trời đất ơi, sao anh leo vô được vậy?
ĐỊNH : Thì, leo rào vô.
DIỆU : Rồi rủi… ba em thấy rồi sao?
ĐỊNH : Hai bác đi ăn đám giỗ hết rồi làm sao thấy được.
DIỆU : Rồi rủi bà con lối xóm thấy người ta méc lại rồi sao?
ĐỊNH : Trời ơi, lối xóm mà ăn nhằm cái gì, chừng nào cha mẹ ruột mình, mình mới sợ chứ. Anh nói em nghe nè, tại vì anh nhớ em quá nên anh muốn đến thăm em.
DIỆU : Vậy hả?
ĐỊNH : Bộ em không thương nhớ anh sao mà muốn đuổi anh về vậy hả?
DIỆU : Thương chứ sao không thương. Hồi hôm em nằm mơ thấy anh đó. Thấy anh hả?
ĐỊNH : Thấy sao vậy?
DIỆU :
LÝ CHIM XANH
Đêm qua mơ thấy anh đang chèo xuồng qua sông,
Thăm em qua cầu tre lắc lẽo, đường đi gập ghềnh,
Lòng bỗng dâng tràn niềm quê hương mến yêu,
Thương tình cây lúa dòng sông, đậm tình quê hương.
ĐỊNH : Anh vui nghe kể đêm qua nằm mộng thấy anh
Thương yêu như mùi hương lúa tình quê dạt dào
Ruộng nương sớm hôm nắng chiều tình yêu ta hắt hiu
Nuôi tình khôn lớn, tình nào hơn em.
DIỆU : Đêm qua mơ thấy anh mang trà rượu cau xanh
Sang thăm ta tròn duyên số thành đôi vợ chồng
Bà con vui cười nhìn hai ta sánh duyên
Em nằm mơ thấy ngày ấy, gần kề không xa./.
ĐỊNH : Anh nghe em nói anh mừng quá.
DIỆU : Vậy hả, vậy thì giờ em nói anh nghe nè. Anh về anh nói với người lớn á, sang nhà em đi.
ĐỊNH : Sang nhà chi?
DIỆU : Cưới em chớ chi.
ĐỊNH : Cưới em!
DIỆU : Ừ!
ĐỊNH : Em không hiểu dùm hoàn cảnh của anh nên em mới nói vậy đó. Em biết không, nếu anh còn gia đình còn cha mẹ thì đâu sống cuộc đời lang bạc để tới đây gặp em đâu.
DIỆU : Vậy chứ giờ em biết sao bây giờ?
ĐỊNH : Anh nói em nghè nè, lòng anh thì đang bối rối. Mà em biểu anh phải chọn người mai mối hôn…
VỌNG KIM LANG
… nhân, anh đây tủi thân vô cùng
Khi mất đi song đường, đời lạc loài sống kiếp đơn côi
Tấm thân nổi trôi không nhà, không gia đình, chẳng ai người thân
Nhiều đêm buồn canh trường anh nằm thao thức
Vẩn vơ một mình, rồi suy nghĩ mông lung
Anh sợ duyên mình không thành, tình đôi mình rẽ chia từ đây
Vì em giống như con thuyền giữa dòng đời lửng lơ buồn trôi.
Thì thôi giờ đây mỗi đứa mỗi nơi, chẳng mong duyên mình chung đôi
Anh về thị thành xa xôi, nơi chốn quê em bên gia đình ấm êm.
DIỆU : Khoan…! Anh Định!Trời đất ơi, làm cái gì mà anh ham về dữ vậy? Thủng thỉnh để từ từ người ta tính chứ.
ĐỊNH : Chứ anh nói em nghe nè, ở lại làm cái gì cho tuyệt vọng mà thôi. Tánh của bác trai hổng có ưa anh. Mỗi lần anh đi thăm em, anh đứng ngoài rào nhìn vô, bác trong này bác ngó ra bác coi vầy nè… Anh sợ lắm, thôi anh về. Em nghĩ đi, anh mà cưới em không được anh tự giận anh chết đó.
DIỆU : Trời đất ơi đừng có tự giận! Để em tính thử coi! À… em tính vầy anh coi được không nha.
ĐỊNH : Tính sao đâu tính anh nghe coi?
DIỆU : Để coi… em tính như vầy nè… ý mà không được anh ơi!
ĐỊNH : Hổng được hả?
DIỆU : Được sao được!
ĐỊNH : Được sao được là sao?
DIỆU : Ý mà được…
ĐỊNH : Được hả? Được rồi sao kể anh nghe coi nè.
DIỆU : Ý mà chắc hổng được quá.
ĐỊNH : Trời ơi, lúc được lúc hổng được rồi anh làm sao? Chắc anh chết quá!
DIỆU : Ý… mà được rồi anh ơi! Chị hai, chị hai em về anh ơi. Chị hai ơi, để em giới thiệu chị nha. Chị hai ơi, đây là anh Định, thầy đờn, cũng là bạn của em, còn đây là chị hai của em.
ĐỊNH : Chị ở đâu về vậy em?
DIỆU : Chị hai em ở trên SG á.
ĐỊNH : Vậy hả! Dạ, em chào chị hai!
DIỆU : Chỉ buôn bán ở Sài Gòn, lâu lâu đem tiền về cho ba má.
ĐỊNH : Chị hai buôn bán gì ở Sài Gòn vậy chị hai?
DIỆU : Chị hai… ảnh hỏi chị bán gì ở SG kìa sao chị không trả lời cho ảnh đi.
HƯƠNG : Hả?
DIỆU : Ảnh hỏi chị bán cái gì kìa!
HƯƠNG : Chị đói bụng rồi, em vô nấu cơm chưa?
DIỆU : Bữa nay ba má đi đám giỗ rồi, có mình em ở nhà làm biếng quá nên em không nấu cơm.
HƯƠNG : Đi lo cơm đi. Ở nhà để nhà cửa dơ dáy vậy nè không quét dọn gì hết, xuống bếp lấy cây chổi lên đây.
DIỆU : Đi thôi về chê đi thôi về chê. Nhà ta láng coóng vậy mà chê.
(Đi vào lấy chổi)
HƯƠNG : Lảm nhảm cái gì đó?
DIỆU : Chổi nè chị hai!
(Hương quét nhà) Ủa, chị hai, sao chị quét ảnh không vậy?
HƯƠNG : Quét hồi nào, chị làm việc nhà quen hơn em rồi. Chị liếc sơ qua cái là biết nó “dơ” chỗ nào rồi. Đi vô nấu cơm đi.
DIỆU : Bây giờ nhà hết đồ ăn rồi, chị hai ăn cái gì em đi chợ em mua.
HƯƠNG : Đi xuống nhà ông Tư Còn mua cá được không?
DIỆU : Dạ được, mà chị ăn cá trê hay cá lóc?
HƯƠNG: Cá nào cũng được hết.
DIỆU : Rồi hổng có cá mua gì?
HƯƠNG : Mua gì cũng được.
DIỆU : Anh Định, ở nhà chơi với chị hai em chút xíu nha. Em đi chút xíu em về liền
ĐỊNH : Về liền anh chờ nha.
(Diệu đi vô cánh gà)
HƯƠNG : Ông còn định giở trò gì nữa đây?
ĐỊNH : Trò gì? Mà giả sử như tôi định giở trò gì thì mặc tôi, ăn nhằm gì cô?
HƯƠNG : Nếu như ông còn muốn giữ danh giá của ông thì đừng bén mảng xuống đây nữa nha. Tốt nhất là ông bỏ hẳn cái xóm này đi, tôi lột mặt nạ ông bây giờ đó.
ĐỊNH : Cô đừng có la lớn chứ, có ích lợi gì cho cô không? Mà tôi có đeo mặt nạ gì đâu mà cô đòi lột?
HƯƠNG : Mặt nạ lường gạt của ông chớ mặt nạ gì nữa?
ĐỊNH : Coi tôi đã nói với cô, tôi biểu cô đừng có la lớn mà. Tôi không nói của cô thì thì cô cũng đừng nói chuyện của tôi chứ. Sao, bây giờ cô muốn lột mặt nạ không? Được rồi, tôi lột mặt nạ liền ngay tại căn nhà này coi ai xấu hổ cho cô biết nghen. Tôi la lớn thật to là cô ở trên SG á...
HƯƠNG : Anh nín đi, nhà tôi anh nói nho nhỏ một chút.
ĐỊNH : Tôi không cần nói nhỏ nữa. Một thằng không gia đình như tôi, dù có làm bậy cũng không sợ ai chữi vào mặt cha mẹ mình, chứ hổng phải như là...
HƯƠNG : Trời ơi, tôi lạy anh mà. Anh đừng la lên. Em gái tôi nó hay được thì tôi chết. Anh đã nói cái gì cho ba má tôi biết chưa vậy?
ĐỊNH : Tui đâu có khốn nạn như cô tưởng.
HƯƠNG : Nhưng mà anh cũng đã đủ khốn nạn lắm rồi.
ĐỊNH : Ê, cô đừng chữi tôi nữa chứ, chắc cô chưa...
MẪU TẦM TỬ
... quên, có lần trước đây
Cô đã mắng tôi bằng tiếng khốn nạn này
Tôi nhất định làm cho cô sáng mắt
Chửi người ta có lợi gì cho cô không?
HƯƠNG : Thiệt ở trên đời sao lại có thứ bọn đàn ông
Mặt chai mày đá cũng như ông
Không còn sợ người ta rẻ khinh coi thường
Ông gạt tôi rồi muốn gạt cả em tôi./.
ĐỊNH : Tôi gạt ai? Tôi biết tôi có lỗi, tôi van lơi, tôi cầu khẩn, tôi xin lỗi người ta. Người ta cố chấp, người ta không tha thứ, mà chữi mắng vào mặt tôi như là tát nước vô mặt vậy. Thách đố tôi nữa hả. Thách đố thì tôi trả lời chứ sao. Tôi nói cho cô nghe, ở trên đời này, một thằng ăn cướp khi đã biết hối ngộ mà không tha thứ cho nó thì nó sẽ làm…
HƯƠNG : Anh nói nho nhỏ giùm tôi đi anh Định. Anh đi về Sài Gòn đi rồi tôi...
ĐỊNH : Tôi không đi.
HƯƠNG : Anh Định ơi, em lạy anh mà. Anh về Sài Gòn đi trước đi, rồi em lên sau.
ĐỊNH : Bây giờ tới phiên tôi bị gạt.
HƯƠNG : Dạ không, em đâu có dám gạt anh? Anh gạt em muốn chết! Anh bằng lòng nghe em, anh đi về đi, rồi anh muốn gì em cũng chiều theo anh hết, cả sự sống của em nữa, nếu mà anh muốn giết em chết em cũng chịu nữa anh Định ơi.
ĐỊNH : Cô có yêu thương gì tôi nữa đâu mà dùng tiếng anh với em nghe ngọt sớt vậy.
HƯƠNG : Anh Định, anh đừng giận em tội nghiệp em. Em mang ơn anh, anh đã giữ tai tiếng giùm cho gia đình của em. Anh làm ơn anh coi em là The giống như hồi xưa đó, chớ không phải là Hương nghe anh.
ĐỊNH : Rồi sao nữa?
HƯƠNG : Sao nữa thì tùy anh.
ĐỊNH : Đi xa với anh được không? Mình sẽ bỏ Sài Gòn. Hả…?
HƯƠNG : Dạ, anh về trước đi rồi em lên.
ĐỊNH : Hứa với anh nhớ giữ lời, nếu muốn ba má em không bị tai tiếng thì đừng thất hứa với anh. Chừng nào em lên?
HƯƠNG : Mai.
(Diệu bước vào)
ĐỊNH : Thôi anh đi nghe.
DIỆU : Anh đi đâu đó?
ĐỊNH : Anh về xóm dưới. Dạ, thưa chị hai em về. Chị hai nhớ mai nha chị hai. À, Diệu ơi, anh có chuyện gấp dưới này, anh đi rồi anh sẽ lại gặp em nha. Nhớ ngày mai nghen chị hai, chào chị hai.
DIỆU : Ơ, nhưng mà… Chị hai, chị nói mai chị đi đâu?
HƯƠNG : Thì mai chị trở lên SG chớ đi đâu. Đi vô nấu cơm đi.
DIỆU : Hổng nấu.
HƯƠNG : Trời đất ơi, Diệu nói chuyện với chị như vậy đó hả Diệu?
DIỆU : Hôm nay nói vậy đó.
HƯƠNG : Em kỳ cục vậy?
DIỆU : Chị đi lên SG với cái “anh” gì của chị đi.
HƯƠNG : Anh nào?
DIỆU : Cái “anh” gì mà mới nói “chừng nào em lên” đó.
HƯƠNG : Trời ơi, em nghi oan cho chị rồi đó Diệu?
DIỆU : Oan sao được mà oan, nhìn hai người cái tui biết liền hà? Chị nhìn ảnh cặp mắt ướt rượt, ảnh nhìn chị cặp mắt cũng ướt rượt.
HƯƠNG : Khổ quá, em ngờ oan cho chị một chuyện mà chị không thể nào mình oan được hết trơn á Diệu biết không?
DIỆU : Trời ơi, vậy còn oan nữa hả? Thiệt…hổng có ai làm chị mà như chị hết. Chị gì mà mà…
HƯƠNG : Chị sao?
DIỆU : Trời ơi tức quá nói không được.
HƯƠNG : Diệu à, chị coi mồi anh chàng đó sở khanh lắm à nha. Em còn nhỏ đừng có bày đặt tập tành mà...
DIỆU : Giờ em nói chị nghe nè, chị thử đi bán rao đầu trên xóm dưới thử coi có ai tin lời chị nói không?
HƯƠNG : Người ta không tin nhưng chị muốn em gái của chị phải tin.
DIỆU : Tin sao được mà tin? Chị nói người ta sở khanh, sở khanh hồi nào? Sở khanh với ai.
HƯƠNG : Ủa, mà em với anh chàng kia như thế nào mà sao tự nhiên la lối om sòm với chị vậy? Nói! Hồi nào tới giờ nói chuyện đàng hoàng tử tế không có nói dối gian nha. Bây giờ nói thiệt coi…
DIỆU : Ờ thì… thì…
HƯƠNG : Nói thiệt… có cái gì chưa?
DIỆU : Có gì là gì?
HƯƠNG : Thì…
DIỆU : Thì… thì… sao tui đâu biết! Trời đất ơi tự nhiên có gì…? Tức quá hà! Sao tui tức quá tui không nói chuyện được gì hết trơn… (
bỏ ra 1 góc ngồi)
HƯƠNG : Diệu ơi, chị thương em không hết, có lẽ nào đi cướp giựt tình em sao Diệu. Nhưng vì hoàn cảnh của chị không thể nói hết ra...
NAM AI (Lớp mái)
... đây, cho em hiểu rõ ngọn ngành
Đã từ lâu, chị xa cách gia đình.
Sự đời từng trải qua, gặp lắm điều xót xa
Xưa nay trong chốn tình trường, có mấy ai thiệt lòng với ta
Tuổi của em đang độ xuân thời
Cho nên lắm người họ tới lui.
Nhưng khi bướm thưởng được hoa rồi,
Hoa sẽ không còn ngày vui.
DIỆU : Chị tưởng đâu anh trai nào cũng bội bạc
Sao không phân biệt từng người
Người ta ở trên đời, có mấy ai mà giống ai./.
HƯƠNG : Nhưng mà cái anh chàng này chị biết là giống đó.
DIỆU : Bộ chị bị anh ta gạt hay sao chị biết? Mà chị đừng có tìm cách chối quanh nữa. Hồi mới gặp chị kêu bằng “ông”, cái lát đi chợ về nghe chị kêu bằng “anh” nghe nó dẻo nẹo à.
HƯƠNG : Bây giờ chị nói chuyện em nghe không? Chị nói chuyện đàng hoàng nè em có nghe hay không?
DIỆU : Nghe!
HƯƠNG : Thì giờ em phải nghe lời chị chứ, chị đã nói với em là cái người đó không có chơi thân được…
DIỆU : Nhưng mà em nói cho chị nghe nè…
HƯƠNG : Không có nhưng mà… gì hết á.
DIỆU : Làm cái gì la người ta dữ vậy?
Ô. SÁU : Cái gì…cái gì mà om sòm đây? Tao đi cách cả cây số mà tao còn nghe lồng lộng vậy hà.
(Bước ra sân khấu) Ủa The, con về hồi nào đó?
HƯƠNG : Dạ con mới về, má con đâu rồi ba?
Ô. SÁU : Má con bị bà chủ nhà cầm lại nói chuyện gì đó không biết, tao bực quá tao về trước đây nè. Ba má cũng cố ý đợi con về đó. À… hai chị em bây rầy lộn phải không?
HƯƠNG : Dạ, đâu có ba.
DIỆU : Dạ có chớ.
HƯƠNG : Diệu!
(Nói nhỏ) Không được nói!
DIỆU : Không cho nói
(nói nhỏ)
Ô. SÁU : Làm gì ra bộ không. Diệu…
DIỆU : Dạ!
Ô. SÁU : Gây lộn sao nói ba nghe coi Diệu!
DIỆU : Dạ, hồi nãy á, chỉ ở SG chỉ về.
Ô. SÁU : Rồi!
DIỆU : Chỉ nói chỉ đói bụng,
Ô. SÁU : Rồi!
DIỆU : Chỉ biểu con đi mua cá về nấu cơm chỉ ăn,
Ô. SÁU : Rồi!
DIỆU : Chừng con trở về con gặp chỉ cái...
(Hương ra dấu im lặng)
Ô. SÁU : Rồi! Ủa, lạ! Đi chợ về gặp chỉ cái rồi thôi hà… Hồi nãy nó ở SG về
DIỆU : Dạ...
Ô. SÁU : Rồi nó nói nó đói bụng
DIỆU : Dạ!
Ô. SÁU : Biểu con đi chợ mua cá về nấu cơm cho nó ăn?
DIỆU : Dạ.
Ô. SÁU : Con đi chợ mua cá về gặp nó?
DIỆU : Dạ
Ô. SÁU : Gặp nhau rồi gây lộn?
DIỆU : Dạ...
Ô. SÁU : Lạ hén, chị em gặp lâu ngày gặp nhau nên gây lộn cho đỡ buồn. Lạ hén! Nhưng mà tao nói rồi, Diệu!
DIỆU : Dạ!
Ô. SÁU : Lâu lâu chị con nó về, tại sao con lại gây lộn như vậy? Con phải làm cho nó vui chứ tại sao mà lại gây lộn! Đó đó… khóc đi… khóc đi…
DIỆU : Biết mà, binh hoài à.
Ô. SÁU : Binh cái gì mà binh.
DIỆU : Hồi đó tới giờ á, hễ con với chị hai mà có chuyện gì gây lộn với nhau là ba cứ mắng con là con lỗi.
Ô. SÁU : Trời ơi trời!
VỌNG CỔ (Câu 15)
DIỆU : Ừa, mà hổng ai sao được vì con nè… Con chỉ là con bé bị bỏ rơi ngoài gốc me đốc me gốc mít được ba lượm về nuôi cho tới bây... giờ. (-)(-) Nên đứa thì khôn lanh còn đứa thiệt ngu khờ. (+) Ăn thì bị chữi không coi nồi, ngồi thì bị chữi không coi hướng. Còn buồn ba nói như con ma trù, hễ con cười ba nói con vô duyên. (SL) Ba mở miệng ra một cũng má con The, hai cũng má con The nghe nó ngọt sớt à, hổng có khi nào nghe ba nói đến má con Diệu hết trơn á. Rồi còn đi khoe khoang với bà con lối xóm: “con The của tôi nó hiếu thảo vô cùng”. (xề)
Sao hồi đó ba không đặt cho con là con me hay con lượm con rơi cho nó dễ phân biệt. Chớ máu mủ gì đâu mà chia sớt cho đồng, bởi con hai dòng nên bên trọng bên khinh./.
Ô. SÁU :
(Cười) Trời ơi, nói vậy mà nghe được à. Ba đã nói rồi, tại vì hồi trước sanh con ra khó nuôi nên cho nên mới bỏ ngoài gốc mít rồi má con làm bộ ra xí lụm được lượm đem về nuôi. Cái chuyện chỉ có vậy thôi. Con ba rầy con vì con là con gái ở trong nhà ba rầy, rồi mai mốt có chồng con về nhà chồng rồi ai nhờ chứ tao đâu có nhờ. Không khéo để người ta nói ba má mày không biết dạy. Chuyện chỉ có vậy thôi chứ có gì đâu. The!
HƯƠNG : Dạ!
Ô. SÁU : Con biết không, lúc này nó đi học đờn. Để coi đờn gì… à đờn va-dơ-lin.
DIỆU : Trời, đờn người ta đờn măng-đô-lin mà nói thành va-dơ-lin.
Ô. SÁU : Mày rành quá ha. Ờ, thì măng-đô-lin. Đó, rồi ba ngồi ba nghe nó ở sau miệng nó lầm bầm cái gì tao không biết cái gì tao rình tao nghe nó coi… cái gì mà đồ rê mi đố… đồ rê mi đố… Làm cái gì đố, làm như tao không biết đi đố. Nhưng mà con ơi…
HƯƠNG : Dạ!
Ô. SÁU : Nghe đâu có người tính hỏi nó. Ba nghe thấu lỗ tai rồi, ba chờ họ vô họ nói một tiếng là ba ừ liền. Mà chưa gì nó cạo chưng mày láng ót, vẽ lên cái gì mà như hai cái vòng cung vậy đó.
DIỆU : Đó thấy chưa, binh nữa thấy chưa. Chị Hai vẽ tổ bà chảng đó không chịu nói, tui có chút chíu vậy cũng bị nói nữa.
(Đi vô cánh gà)
Ô. SÁU : Nó khác, mày khác. Chị hai con ở SG, ở SG mười người vẽ chưng mày hết mười người, chị hai con phải sống theo họ chớ. Còn Lái Thiêu mình... Ủa, tao đang nói chuyện với mày, mày bỏ đi đâu.
DIỆU : Đi cạo chưng mày, ủa, đi rửa chưng mày.
Ô. SÁU : Trời đất ơi, mày lỡ vẽ rồi thì để nguyên đi. Mày chùi mày rửa ra rồi nó láng ót như ông vãi ai coi. Bởi vậy, tụi bây lớn rồi, đứa nào cũng bí mật hết, hiểu không nổi. “Đúng là sanh tử bất sanh tâm, sanh ngưu vô sanh giác.”
HƯƠNG : Em con nó lớn rồi ba!
(Bà Lung sòng sọc vào nhà)
LUNG : Con Hương đâu rồi?
(Tiếng hậu trường)
Ô. SÁU : Ai, ai mà la um sùm vậy?
LUNG : Con Hương đâu rồi? Hả…? Con Hương đâu? Hả…? Con Hương đâu rồi?
Ô. SÁU : Dạ thưa bà, tìm ai. Ở đây có 1 cha già Sáu này được không?\
HƯƠNG : Dạ, ba ơi, bả kiếm con đó ba.
LUNG : Bà ơi bà, tui lạy bà. Bà làm ơn bà trả tiền giùm tui đi. Sao mà tổn đức quá vậy bà?
HƯƠNG : Dì hai thương con đi. Con nói với chú Năm rồi, con về đây ngày nay ngày mai con đi lên trễn con làm con trả cho dì hai, chứ con không dám xí dì hai. Dì hai đừng có nói cho ba con nghe con chết á dì hai.
LUNG : Ráng làm, ráng làm hoài à. Cô tưởng con này già rồi cô tính gạt tôi nữa hả?
Ô. SÁU : Dạ thưa bà chị, con gái tui nó thiếu nợ sao đó bà chị?
LUNG : Một ngàn đồng, chưa tính tiền lời à. Tiền của tôi là tiền nhân, tiền nghĩa mà. Cô nói lúc rày làm không được, cổ mượn tiền của tui gởi về cho ba mẹ xoay xài. Nói một tôi hay một, nói hai tôi tin hai. Tại sao mấy người tính gạt tôi hả?
Ô. SÁU : Dạ bà chị bớt nóng. The!
HƯƠNG : Dạ!
Ô. SÁU : Có phải tháng rồi con gửi tiền về cho ba má đó không con?
HƯƠNG : Dạ phải! Con…
Ô. SÁU : Vậy là con chưa kịp trả phải hông? Dạ thưa bà chị, bà chị cảm phiền cho tôi hẹn lại 5 ngày đi. Dạ, đúng 5 ngày nữa bà chị trở lại đây, cha con tôi sẽ hoàn lại số tiền cho. Tiền xe tiền pháo tiền phí tổn tôi chịu hết. 5 ngày nữa miếng đất của người ta chồng tiền, còn bây giờ thì…
LUNG : Rồi sao? Ông biết con gái ông thiếu tôi mấy tháng rồi không? Trời đất ơi mấy người tính gạt tôi hả? Tôi đâu phải nằm ngửa mà ăn như mấy người đâu., mà làm khổ con già này. Hả!
Ô. SÁU : Dạ, bà chị nói vậy tội cho tôi quá. Nó thương cha mẹ nó lắm tui mới để nó đi làm ăn. Con tôi nó đàng hoàng lắm…
LUNG : Tôi nói thiệt với ông đó ha, ông tin con gái ông có ngày ông chết đó.
Ô. SÁU : Dạ tin cái gì? Con tui đàng hoàng tui nói đàng hoàng! Nó đâu có giựt chồng gì của ai đâu?
HƯƠNG : Tội nghiệp cháu, bà Hai ơi bà Hai, thương dùm cháu. Cháu lạy bà Hai.
LUNG : Cô buông tôi ra đi, cô làm cái gì mà níu kéo tôi? Cô lường gạt ba má cô được chứ cô không lường gạt được ai hết trơn á? Tôi nói đây chắc ba má cô tưởng tôi bất nhơn thất đức.
Ô. SÁU : Con gái tôi nó lường gạt cái gì? Tui nói con tui nó làm ăn đàng hoàng.
LUNG : Sao? Ông nói con gái ông nó làm ăn đàng hoàng hả? Làm ăn đàng hoàng! Nó làm đĩ thì có chứ làm ăn đàng hoàng. Tui thí cô hồn đó, tui cho mấy người ăn mấy người giộng cho chết đi! Xí…
(Đi vô cánh gà)
Ô. SÁU : Ba có nghe lầm không con? Tại sao con đi làm cái nghề đó The? Ba tự giận ba chết The à!
HƯƠNG : Ba ơi!
Ô. SÁU : Đứng lại đó. Nghèo thì cạp đất ăn không ai khi dễ, không ai dám nhổ nước miếng vô mặt mình. Tại sao mày lên SG mày thêm cái tên Hương nữa? Cái tên The tao với má mày đặt cho mày xấu lắm phải không? Mày đem mày liệng cái tên The, mày liệng cái tên The không khác nào mày đem mày liệng một quãng đời trong sạch. Rồi mày lượm ở đâu cái tên Hương mày gắn vô. Sau cái tên Hương thơm tho là một quãng đời thúi nát. Mày đi khỏi nhà tao, con quỷ!
VĂN THIÊN TƯỜNG
HƯƠNG: Ba! Ba ơi con biết phải đi… đâu, về đâu?
Đường trần, đầy mưa gió bão giông
Ba đừng xua đuổi, đừng giận hờn con
Ba ơi con là đứa con bất hạnh của gia đình.
Ô. SÁU :
VỌNG CỔ (Câu 3)
The ơi, tuy ba không sẻ thịt đẻ con ra, tuy ba không nhai cơm đút cho con từng muỗng nhưng ba đã từng hoạn dưỡng con từ ngày còn đỏ hỏn trong nôi. Con bước đi một bước là ba nở một nụ cười, con mở miệng kêu “ba”, ba mừng như ai cho vàng cho. Mỗi khi con bệnh con ho là ba lo sợ cả đêm… ngày. (-)(-)
Ba lo chạy thuốc thang hết thầy nọ tới thầy này. (+) Miễn sao con được mạnh giỏi thì ba ăn mới được ngon ba ngủ mới được yên. (SL) Có những đêm khuya giựt mình thức giấc nhìn con trẻ tủm tỉm cười trong giấc ngủ say, làm cho ba quên hết những đau nhọc đắng cay chồng chất theo bao tháng năm dài.
HƯƠNG : Ba ơi, ba thương con, con lỡ một lần ba tha tội cho con. Ba ơi…
Câu 4:
Ô. SÁU : Cha mẹ nuôi con là mong cho con được khôn lớn nên người. (xề) Thầm vái van sau này con được nên chồng nên vợ! Để cho rạng rỡ giống dòng đẹp mặt nở mày cha mẹ. Phải chi con đi buôn gánh bán bưng, con làm thuê làm mướn mà con gởi về cho cha mẹ một gói thuốc rê, một lá trầu héo hay là một miếng cau khô. Những vật đó nó còn quý hơn vạn lần những điều nhơ bẩn nhung gấm lụa là.
(hò)
(Nói) Chờ tao!
HƯƠNG : Dạ!
Ô. SÁU : Mày đứng dậy đi, bữa nay tao không đánh mày. Đây nè, tiền bạc mày gởi về, má mày may đồ cho tao! Tao không thèm! Đi ra khỏi nhà tao.
HƯƠNG : Tội nghiệp con lắm ba ơi...
Ô. SÁU : Đi ra khỏi nhà, vì hôm nay đang nói chuyện với tao tuy thân xác con…
KIM TIỀN HUẾ
… The, nhưng tâm hồn của con Hương
Trước kia mày là con gái đàng hoàng
Mày lại đi làm bại hoại gia phong, xấu hổ nhà tao
Tao vẫn tin là mày làm ăn chân thật, chứ tao đâu có ngờ
Mày đem tiết trinh bán khắp người ta, để nuôi mẹ nuôi cha. Đi!
HƯƠNG : Ba ơi ba thương con…
Ô. SÁU : Mày đi cho biệt dạng, đừng léo hánh về đây mà àm nhục tổ tông.
HƯƠNG : Ba ơi, con cúi đầu trăm lạy ba.
Ô. SÁU : Thôi thôi đừng lạy lục van xin.
HƯƠNG : Ba tha tội, ba ơi ba đừng giận
Khi tất cả chỉ vì lòng con hiếu đạo.
Ô. SÁU : Mày đừng đem hai tiếng hiếu đạo nói với tao. Không có thứ hiếu đạo nào mà bắt con đi làm đĩ. Cha mẹ nào mà nhận đồng tiền đó là cha mẹ vô liêm sĩ. Mày mày đi ra khỏi nhà tao, đi cho khuất mắt tao.
VỌNG CỔ (Câu 5)
HƯƠNG : Ba ơi, đồng tiền con gởi về cho ba má là lời sám hối tự thân. Con đã tự an ủi mình trong những đêm phấn lạt hương... tàn. (-)(-) Sầu tuôn theo ngấn lệ đôi hàng. (+) Con lạy ba xin ba tha thứ tội cho con, lần này ba đuổi con đi nếu như con không đi thì con là đứa con (SL) bất hiếu. Nhưng con biết khi mà con lìa xứ sở có nghĩa là con bỏ thân nơi quê người đất khách. Ba ơi một lạy này con xin ba hãy tha thứ tội cho con. Những lời dạy bảo của ba con nguyền tạc dạ ghi lòng. (xề)
Ba nói với em con rằng người đời có lắm kẻ lợi dụng, người ta không có tốt. Ba nói với nó là đừng có tin người ta quá, đến chừng hối tiếc thì cũng đã muộn màng rồi. (hò)
Ô. SÁU : Mày tốt đẹp gì hơn ai mà mày đi dạy người ta! Đi ra khỏi nhà tao.
HƯƠNG : Ba ơi…
Ô. SÁU : Đi!
(Bà Sáu ra sân khấu)
B. SÁU : Cái gì vậy? Từ đầu ngõ tôi đã nghe ông la lối om sòm. Con cái có gì thì từ từ dạy nó, cứ là cái… Ủa, sao kỳ cục vậy? Sao quần áo liệng tùm lum vậy? Con con Diệu này thiệt á, ta đã nói là cứ chọc cho ổng nổi điên lên à. Ủa, con, The! Con về hồi nào vậy hả?
HƯƠNG : Má ơi, con khổ quá, má ơi má cứu con má ơi.
(Quỳ ôm chân má)
B. SÁU : Cái gì vậy con?
Ô. SÁU : Bà giang ra để cho nó đi!
B. SÁU : Nó đi đâu?
Ô. SÁU : Tui không muốn nó ở trong nhà này nữa.
B. SÁU : Ông ơi, con nó mới về mà ông! Có cái gì thì ông cũng để từ từ chứ ông đuổi con rồi nó… Ủa mà nó làm cái gì?
Ô. SÁU : Có chuyện tôi mới đuổi nó chớ.
B. SÁU : Chuyện gì? Chuyện gì mà ông phải đuổi con?
Ô. SÁU : Có chuyện thì tui mới đuổi chứ bộ khi không tui điên hay sao mà tui đuổi.
B. SÁU : Mà tui muốn hỏi ông chuyện gì?
Ô. SÁU : Tui nói… tui nói không được mà. Trời ơi là trời!
B. SÁU : Có cái gì đâu mà ông nói không được.
Ô. SÁU : Nó... làm đĩ đó bà ơi! Nó đem tiền về cho bà may đồ cho tôi. Bỏ hết!
B. SÁU : The… con…!
HƯƠNG : Má ơi con lỡ lầm, má tha tội cho con đi má ơi!
B. SÁU : The ơi… con… Ông ơi! Con mình tuy nó lớn xác chứ mà nó còn khờ dại lắm ông à! Tui xin ông, tui xin ông… Con The coi vậy chứ…
VỌNG CỔ (Câu 1)
Nó như cây non đứng giữa trời chưa quen đương đầu với nắng mưa sương gió. Làm cha mẹ cũng tựa như cây cổ thụ, phải che chở con trong những khi nắng dãi mưa... dầu. (-)(-)
Ô. SÁU : Nó đâu phải là con khẩn con cầu. (+)
B. SÁU : Ông ơi con nào mà lại chẳng là con hả ông, huống chi nó lỡ lầm như ngày nay cũng do mẹ cha thiếu bề giáo hoán. (SL) The, từ nay con ở nhà với ba má, má giao mảnh vườn cho con. Lúc rãnh rang thì thêu thùa may vá, con đừng bận tâm những chuyện đã qua mà hãy sống như ngày nào con còn ở với ba má./-
Ô. SÁU :
(Dặm) Nó mà ở lại đây, thiên hạ người ta to nhỏ xì xào, nói ra nói vào thì làm sao tôi chịu được. Nó mà ở đây có nước là tôi đốt nhà tôi đi! Không, nó phải đi ra khỏi nhà, nó phải đi mới được.
B. SÁU : Ông nhất quyết đuổi con The đi sao?
Ô. SÁU : Tôi đuổi đó!
Câu 2
B. SÁU : Ông ơi, nếu ông nhứt quyết đuổi con The đi thì tôi sẽ khăn gói theo với con tôi cho trọn câu mẫu tử thâm tình. (-)(-) Đời còn có câu: “Mũi dại thì lái phải chịu đòn”. (+) Tôi là má con The, tôi quỳ xuống đây xin ông tha thứ tội cho con tôi. (SL) Chứ ông nghĩ coi ông đuổi nó đi rồi nó sẽ sống làm sao? Chắc nó không còn cách nào khác hơn là quay về con đường cũ. Ông ơi, nỡ lòng nào để con mình nó lặn hụp trong vũng bùn nhơ nhớp mãi hay sao./-
Ô. SÁU : Nó có gan làm thì nó phải có gan chịu.
B. SÁU : Tui lạy ông mà!
Ô. SÁU : Không nói nhiều nữa! Bà là vợ của tôi, bà đứng qua một bên.
B. SÁU : Tôi lạy ông mà, tội nghiệp con ông ơi.
Ô. SÁU : Tui nói bà đứng qua một bên. Con The ra khỏi nhà. Trời ơi là trời! Tao đập đầu tao tự giận tao chết cho mày vừa lòng…
B. SÁU : Ông ơi…
HƯƠNG : Con… con đi ba ơi, ba đừng…
B. SÁU : The! Ông ơi…
HƯƠNG : Con lạy má…
(bỏ chạy)
B. SÁU : The! The… The… Không có ai làm cha mà như ông hết á!
--------------------------HẾT------------------------------